Chiếu cói Tiến Đạt

Xác định nghề sản xuất chiếu cói là khâu đột phá trong hướng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đã và đang quan tâm đầu tư mở rộng vùng trồng cói để đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất, xây dựng chiếu cói Quảng Xương trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương.

Huyện Quảng Xương, Thanh Hóa nổi tiếng với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống. Trải qua bao thăng trầm nghề dệt chiếu vẫn được lưu giữ và ngày càng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 550 ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các xã: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khuê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn. Sản lượng cói toàn huyện đạt gần 7.000 tấn/năm.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, những năm qua huyện đã có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Chiếu cói Quảng Xương-tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân

 

Với quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống, gần 30 năm qua ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Ngọc Bình, xã Quảng Phúc vẫn luôn tâm huyết với nghề. Ông Thắng tâm sự: “Năm 2013, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua 10 máy dệt chiếu, 3 máy may bìa và cải tạo mở rộng nhà xưởng, mỗi năm cơ sở của tôi sản xuất được khoảng 300.000 chiếc chiếu cói, trừ các khoản chi phí, cho thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng".

Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng rất vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn, từ thu hoạch, đem phơi, phân loại, xe lõi đến nhuộm màu rồi mới mang vào máy để dệt. Khi dệt đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tắp.

Kể từ khi có máy dệt chiếu, việc sản xuất được thực hiện theo dây chuyền, mỗi chiếc chiếu dệt bằng máy chỉ mất khoảng 20 phút.

Ông Trịnh Xuân Bài, thôn Châu Sơn xã Quảng Trường chia sẻ: “Làng nghề chiếu cói ở đây đã được hồi sinh, phát triển nhờ có công nghệ máy móc hiện đại”.

Năm 2012, gia đình ông Bài đầu tư gần 500 triệu đồng mua 3 máy dệt chiếu và 4 máy may bìa, máy đánh dây để mở rộng sản xuất. Trung bình một máy sử dụng 2 lao động thường xuyên, với công suất đạt khoảng 50 đôi chiếu/ngày, sau khi trừ các khoản chi phí, 3 máy dệt chiếu cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng. Không những nâng cao thu nhập cho gia đình, cơ sở sản xuất chiếu cói của gia đình ông còn tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 3 đến 8 triệu đồng người/tháng.

Hiện nay toàn huyện có khoảng 450 máy dệt chiếu và gần 1.000 hộ làm nghề dệt chiếu. Sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại.

Nghề dệt chiếu cói Quảng Xương không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 5.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/người/ tháng.

Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng, chiếu cói Quảng Xương không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh thị trường ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên...

Hiện nay, huyện Quảng Xương đang tiếp tục chỉ đạo các xã làm nghề quan tâm xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các hộ được vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất; duy trì và mở rộng vùng trồng cói để đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất; phấn đấu xây dựng chiếu cói Quảng Xương trở thành sản phẩm tiêu biểu được xếp hạng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Thanh Hóa, nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

UBND tỉnh Thanh Hóa xác định, OCOP là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tính đến cuối năm 2021 tại tỉnh Thanh Hóa đã có 158 sản phẩm tiêu biểu được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 1 sản phẩm xếp hạng 5 sao, 40 sản phẩm OCOP 4 sao và 117 sản phẩm OCOP 3 sao.