Chiếu cói Tiến Đạt

Nhắc đến nghề trồng cói, dệt chiếu ở xã Quảng Phúc thì không ai nhớ có từ bao giờ, chỉ biết đây là nghề truyền thống lâu đời, theo kiểu “cha truyền con nối”. Những năm qua, nhờ quan tâm cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm nên chiếu cói Quảng Phúc được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương.

Sản lượng cói năm 2021 của xã Quảng Phúc đạt gần 6.000 tấn

Hiện nay, xã Quảng Phúc có 367,85 ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các thôn Liên Sơn, Văn Giáo, Ngọc Bình, Ngọc Nhị và Ngọc Đới. Sản lượng cói đạt khoảng gần 6.000 tấn/ năm. Cây cói được người dân thâm canh từ 2 đến 3 vụ/ năm. Với giá bán dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, nông dân thu lãi 140 - 160 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động nông thôn. Để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, những năm qua xã Quảng Phúc đã có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Phúc đã nhân rộng được gần 200 máy dệt chiếu

Đến nay, toàn xã Quảng Phúc đã phát triển được trên 200 máy dệt chiếu, với công suất mỗi máy dệt được khoảng 30 đến 35 đôi/ ngày, cao gấp nhiều lần so với làm thủ công truyền thống. Nghề dệt chiếu của xã Quảng Phúc không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 1.000 lao động địa phương với mức lương từ  3 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng. Để tạo thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều hộ dân đã đầu tư nhà xưởng, máy móc chuyển sang làm chiếu chất lượng cao như: chiếu in màu, in hoa, chiếu đặt... Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng, chiếu cói Quảng Phúc không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh thị trường ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, TPHCM, Hưng Yên...Để nghề dệt chiếu cói trở thành mũi nhọn đột phá trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, cuối năm 2020 xã Quảng Phúc đã thành lập Hợp tác xã chiếu cói với 398 hộ tham gia. Bên cạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực, Hợp tác xã còn đứng ra cung cấp vật tư đầu vào, tổ chức bao tiêu sản phẩm cho thành viên, hộ liên kết sản xuất, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho hội viên HTX. Hiệu quả kinh tế từ nghề dệt chiếu truyền thống đã đang góp phần làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của địa phương. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã Quảng Phúc ước đạt 50 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,09%.

Nghề dệt chiếu xã Quảng Phúc không chỉ nâng cao thu nhập cho các hộ chủ máy mà còn tạo việc làm cho gần 1.000 LĐ với mức lương hàng tháng từ 3 - 7 triệu

 Hiện nay, xã Quảng Phúc đang tiếp tục nâng cao vai trò của Hợp tác xã trong việc đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân; cải tiến mẫu mã, liên kết sản xuất và đẩy mạnh xây dựng làng nghề, nâng cao thương hiệu cho các sản phẩm dệt chiếu tại địa phương. Phối hợp với các ngành chức năng quan tâm xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, mở rộng sản xuất; tạo thông thoáng trong cơ chế chính sách, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn giúp cho người dân đi lại giao lưu hàng hóa được thuận lợi; khuyến khích nông dân duy trì và mở rộng vùng trồng cói để đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất; phấn đấu xây dựng chiếu cói Quảng Phúc trở thành sản phẩm OCOP.