Chiếu cói Tiến Đạt

(CLO) Qua bao đời nay, nghề dệt chiếu ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá vẫn được lưu giữ và ngày càng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống của địa phương.

 

Thanh Hóa được biết đến với nhiều nghề truyền thống như: Mộc Đạt Tài (Hoằng Hóa), làng nghề dệt chiếu cói (Nga Sơn), bánh tráng làng Chòm (Thiệu Hóa), làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa)... Trong đó, có thể kể đến nghề sản xuất chiếu cói truyền thống tại huyện Quảng Xương.

Ghé thăm làng nghề dệt chiếu cói truyền thống tại huyện Quảng Xương

 

Nghề dệt chiếu thủ công xem qua tưởng như đơn giản, nhưng nó cũng đòi hỏi người đan có những kỹ năng nhất định và sự sáng tạo phong phú.

Theo chia sẻ của những người thợ lành nghề Quảng Xương chia sẻ, nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng rất vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn, từ thu hoạch, đem phơi, phân loại, xe lõi đến nhuộm màu rồi mới mang vào máy để dệt, khi dệt đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tắp. Kể từ khi có máy dệt chiếu, việc sản xuất được thực hiện theo dây chuyền, mỗi chiếc chiếu dệt bằng máy chỉ mất khoảng 20 phút.

Qua tìm hiểu của Phóng viên, được biết, nguyên liệu chủ yếu được dùng để dệt chiếu chính là lác (cói) và sợi đay (bố). Đây là hai loại cây hay mọc và được trồng ở những vùng gần sông nước, nơi nhiều phù sa bồi đắp. Sau đó, những loại cây này được thu hoạch và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và cẩn thận để có thể đạt yêu cầu về nguyên liệu làm chiếu.

Nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng in màu lên chiếu theo hướng thủ công

 

Nghề trồng cói tuy có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, nhưng rất vất vả. Để tạo nên sợi cói mềm, dai, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, cói sau khi thu hoạch được người dân giũ sạch cỏ rác, phân thành 3 loại để chẻ rồi mới đem phơi khô để loại bỏ phụ phẩm. Trong đó, khâu chẻ cói là quan trọng nhất vì mất nhiều thời gian và công sức, bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ.

Để dệt ra những đôi chiếu đẹp, bền, chắc, đáp ứng nhu cầu khách hàng, người thợ cần có kinh nghiệm và khéo tay. Đối với chiếu lẫy chữ, lẫy bông, hoa văn… là khó dệt nhất. Khi lẫy, người thợ phải dùng các ngón tay để nhận trân rồi mới chuồi từng cọng lác vào để cho chiếu nổi hoa, chữ, hoa văn theo ý muốn. Thợ dệt chiếu lẫy giỏi nghề không cần nhìn mũi chuồi. Nếu khi dệt bị lỗi 1 hoặc 2 cọng lác, người dệt phải tháo ra để đảm bảo sản phẩm tinh tế và đẹp mắt.

Theo báo cáo, hiện nay, toàn huyện Quảng Xương có khoảng 450 máy dệt chiếu và gần 1.000 hộ làm nghề dệt chiếu. Sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại. 

Nghề dệt chiếu cói Quảng Xương không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 5 nghìn lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/người/ tháng.

Chiếu cói Quảng Xương được nhập cho nhiều địa phương trong nước

 

Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng nên chiếu cói Quảng Xương không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh ở thị trường ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên và các tỉnh lân cận khác...

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, những năm qua huyện Quảng Xương đã có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Hiện nay, huyện Quảng Xương có 550 ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các xã: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn. Sản lượng cói toàn huyện đạt gần 7.000 tấn/năm.